yHealth – Kiến trúc hệ thống thông tin bệnh viện cho các dòng sản phẩm phần mềm thuần Việt

In
Tóm tắt
Trong một thời gian dài, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế chỉ mới dừng lại ở công tác quản lý hành chính và viện phí; bệnh án điện tử và một bệnh viện “không dùng giấy” vẫn còn là một khái niệm khá xa vời.
Thực tế đã bắt đầu thay đổi. Nhiều bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tư mới ra đời đã nhanh chóng thiết đặt các hệ thống thông tin bệnh viện, vừa có các phân hệ phục vụ cho công tác quản lý hành chính và viện phí, vừa bao gồm cả một hệ thống bệnh án điện tử với nhiều chức năng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng được các nhu cầu phong phú và phức tạp xảy ra trong quá trình khám chữa bệnh.
Bài báo này trình bày về yHealth, một kiến trúc hệ thống thông tin bệnh viện với các dòng sản phẩm phù hợp với đặc thù Việt Nam đã được công ty DTAD thiết kế và xây dựng từ đầu năm 2006. Kiến trúc này dựa trên các mô hình thông tin của chuẩn HL7 và DICOM.

1. Giới thiệu

Song song với nền kinh tế mở cửa và ngày càng phát triển, ngoài các nhu cầu nhà ở, xe cộ, giải trí, nhu cầu được chăm sóc y tế với chất lượng tốt của người dân Việt Nam ngày càng tăng. Để có thể cạnh tranh và tồn tại, các bệnh viện buộc phải nâng cấp và nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới vào công tác lâm sàng và quản lý hành chính nhằm tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ.
Công nghệ thông tin là phương tiện trợ giúp đắc lực và có hiệu quả cao trong công tác quản lý hành chính nói chung và quản lý ngành y tế nói riêng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bệnh viện rõ ràng là một yêu cầu cấp bách, góp phần thúc đẩy bệnh viện phát triển toàn diện, từng bước đáp ứng được yêu cầu về khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Hiện có gần 1000 bệnh viện công lập, hơn 1200 cơ sở khám chữa bệnh khác với hơn 12.000 giường bệnh và hàng năm có hơn 150 triệu lượt khám bệnh. Trung bình mỗi bệnh viện có từ 300–500 y bác sĩ với số lượt khám bệnh trung bình 2500/ngày/bệnh viện dẫn đến tình trạng hệ thống bệnh viện Việt Nam luôn bị quá tải.
Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng cũng đã nhanh chóng đưa ra nhiều quyết định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế:

Phần còn lại của bài báo gồm các nội dung sau. Phần 2 trình bày mô hình yHealth, một cơ sở chung cho các dòng sản phẩm đã được sản xuất tại DTAD. Phần 3 điểm qua dòng sản phẩm yClinic với hệ thống yClinic SE 2008, một sản phẩm đầu tiên của DTAD dành cho các phòng khám đa khoa. Trong Phần 4, chúng tôi mô tả dòng sản phẩm chính yHospital và cũng là dòng sản phẩm chiến lược của DTAD: các hệ thống thông tin bệnh viện HIS. Phần 5 dành cho các dòng sản phẩm chuyên biệt liên quan đến lĩnh vực hình ảnh học y khoa, đó là dòng sản phẩm yRad dành cho Khoa Chẩn đoán Hình ảnh và yMage, dòng sản phẩm PACS của DTAD. Các công nghệ sử dụng để xây dựng được trình bày trong Phần 6. Cuối cùng Phần 7 đúc kết và vạch ra hướng phát triển trong tương lai.

2. yHealth―Một kiến trúc hệ thống thông tin bệnh viện

Ở mức tổng quát nhất, kiến trúc yHealth là một kiến trúc phân tán, cho phép nhiều hệ thống con hay phân hệ1 hoạt động độc lập hay tự trị (autonomy) nhưng vẫn có thể liên tác và hiệp đồng hoạt động (interoperability) với nhau dù ở cách xa nhau về mặt địa lý. Kiến trúc này cho phép hệ thống tổng thể cùng nhau phục vụ cho nhiều người sử dụng đang cùng lúc truy xuất và sử dụng dịch vụ của toàn hệ thống từ nhiều địa điểm khác nhau. Một kiến trúc phân tán như yHealth cũng phải có khả năng liên tác và hiệp đồng hoạt động với các hệ thống khác biệt về chủng loại, chẳng hạn các hệ thống của những nhà sản xuất khác, các hệ thống không phải thuộc nhóm hệ thống thông tin y tế, vân vân.
Muốn vậy, các hệ thống với kiến trúc yHealth nhất thiết phải hỗ trợ các chuẩn mở trong công nghệ thông tin lẫn công nghệ thông tin y tế, bao gồm các chuẩn và giao thức chuẩn về mạng (chẳng hạn TCP/IP), các giao thức chuẩn trao đổi thông tin trên Internet (HTTP, FTP) cũng như các chuẩn trao đổi dữ liệu y tế (HL7, DICOM).
Để đạt được các mục tiêu này, yHealth được thiết kế để vừa có kiến trúc phân hệ giúp hệ thống có thể dễ dàng mở rộng và liên tác với các hệ thống khác, vừa có kiến trúc phân tầng giúp hệ thống linh hoạt khi cần điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng.

2.1 Kiến trúc phân hệ

Với kiến trúc phân hệ, kiến trúc yHealth được cấu trúc từ các đơn vị cấu thành (element unit) độc lập hay đơn vị chức năng và dữ liệu (data and functional unit). Các đơn vị cấu thành này có thể được thiết kế và xây dựng dưới dạng môđun (module) hoặc phân hệ (subsystem).

• Ở hình thái môđun, các đơn vị cấu thành không thể chạy như một hệ thống độc lập mà được tích hợp chung với các môđun có liên quan thành một (phân) hệ thống nhất.

• Ở hình thái phân hệ, các đơn vị cấu thành có thể được thiết đặt chạy như một hệ thống độc lập và liên tác với toàn hệ thống thông qua các chuẩn trao đổi dữ liệu y tế HL7 và DICOM.
Các đơn vị cấu thành có thể được phân thành 2 loại: CORE (cốt lõi) và ADDED (cộng thêm).

• Loại CORE là thành phần cốt lõi về mặt kiến trúc. Chúng đóng vai trò là khung sườn và nguồn lực nhất thiết phải có để hệ thống có thể vận hành được.

• Loại ADDED có thể được đưa thêm vào tùy theo nhu cầu thực tế của cơ sở y tế. Chúng được phân nhỏ hơn thành RECOM (khuyến cáo) và OPTIONAL (tùy chọn).
Để liên tác với các phân hệ của mình, yHealth có thể trao đổi trực tiếp các đối tượng dữ liệu. Tuy nhiên để liên tác với các hệ thống khác đồng chủng hoặc dị chủng, kiến trúc yHealth xây dựng một hệ thống giao tiếp riêng, được thiết kế như một hệ thống trung gian có khả năng tiếp nhận và xử lý các bản tin (thông điệp) được gửi tuân theo chuẩn HL7 và DICOM.


2.2 Kiến trúc phân tầng

Kiến trúc phân tầng của yHealth là một kiến trúc 3 tầng hoạt động theo mô hình dịch vụ khách-đại lý (client-server) và được xây dựng theo kiến trúc SOA (Service-Oriented Architecture): tầng INTERN, tầng EXTERN và tầng GUI.

2.2.1 Tầng INTERN

Tầng INTERN cấu tạo bởi các đơn vị cấu thành (element unit) dưới dạng các môđun hoạt động tương đối độc lập. Mỗi môđun trong hệ thống cung cấp các dịch vụ ra bên ngoài (thật ra là cung cấp dịch vụ cho tầng EXTERN) thông qua các giao diện (interface) với các phương thức mà bên yêu cầu dịch vụ có thể gọi trực tiếp. Để bảo đảm tính độc lập và linh hoạt của môđun, các môđun được

2.2.2 Tầng EXTERN

Bao quát bên trên tầng INTERN (các môđun) là tầng EXTERN chịu trách nhiệm giao tiếp với tầng GUI và với các hệ thống khác. Về mặt chức năng, tầng EXTERN là bên cung cấp các dịch vụ đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ (business logic) mà ở đây là nghiệp vụ y tế. Được xây dựng theo kiến trúc SOA, tầng EXTERN được thiết kế sao cho có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với các quy trình nghiệp vụ y tế của từng cơ sở y tế.

• Đối với tầng GUI, tầng EXTERN cung cấp các dịch vụ thông qua các giao diện, tương tự như tầng INTERN cung cấp dịch vụ cho tầng EXTERN.

• Đối với các hệ thống khác, tầng EXTERN cung cấp dịch vụ thông qua các thông điệp theo đúng chuẩn thông điệp (bản tin) của HL7 và DICOM.
Tầng INTERN và EXTERN được triển khai chung với nhau tạo thành bên cung cấp dịch vụ hay đại lý (server).


2.2.3 Tầng GUI

Tầng GUI là tầng giao diện người sử dụng, cho phép người sử dụng có thể đưa ra các yêu cầu của mình thông qua giao diện hình ảnh.
Ngoài phần giao diện hình ảnh dùng để giao tiếp với người sử dụng, tầng GUI cần được thiết kế để duy trì một số dữ liệu thường dùng và ít thay đổi nhằm giảm bớt khối lượng dữ liệu truyền qua mạng.
Tầng GUI cũng có thể được triển khai dưới dạng ứng dụng Web. Theo cách này, tầng GUI dạng Web sẽ không giao tiếp trực tiếp với tầng EXTERN mà sẽ trao đổi gián tiếp thông qua một Web server. Khi đó, Web server sẽ giao tiếp trực tiếp với tầng EXTERN.

3. Dòng sản phẩm yClinic

3.1 Giới thiệu

yClinic là dòng sản phẩm phần mềm hỗ trợ công tác khám chữa bệnh ngoại trú của một phòng khám đa khoa quy mô nhỏ và vừa, bao gồm cả phòng xét nghiệm và phòng chụp X Quang. Theo kiến trúc yHealth, các sản phẩm yClinic là các hệ thống tương đương với phân hệ thông tin ngoại trú, nghĩa là một hệ thống bệnh án điện tử ngoại trú. Kèm với bệnh án điện tử ngoại trú, các sản phẩm yClinic còn là một hệ thống quản lý hành chính, cho phép quản lý lâu dài các thông tin hành chính và sức khỏe của bệnh nhân.

3.2 Tính năng

yClinic có nhiều tính năng đa dạng nhằm hỗ trợ tối đa việc quản lý khám chữa bệnh ngoại trú của một phòng khám đa khoa. Hệ thống yClinic SE 2008 trong dòng sản phẩm yClinic hiện có một số tính năng đáng chú ý như sau:

• Quản lý thông tin hành chính: Lưu giữ thông tin hành chính của bệnh nhân, người thân, các yêu cầu của bệnh nhân, thẻ BHYT, …

• Quản lý thông tin khám bệnh: Bệnh án lưu giữ thông tin của một đợt khám bệnh gồm nhiều phiếu khám bệnh, mỗi phiếu khám bệnh ứng với một lần khám. Các thông tin khám bệnh được ghi nhận chi tiết bao gồm nội dung thông tin, thời điểm ghi nhận, người ghi nhận thông tin và người ký chịu trách nhiệm cho tài liệu. Các tài liệu khám bệnh có thể được in ra để tiện cho việc quản lý bệnh án trên giấy hiện nay tại các phòng khám.

• Quản lý người dùng: Mỗi người sử dụng chương trình được phân vào một hoặc nhiều vai trò như bác sỹ điều trị, bác sỹ xét nghiệm, bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, điều dưỡng/y tá, kỹ thuật viên xét nghiệm, kỹ thuật viên X Quang, quản trị hệ thống máy tính, lãnh đạo/quản lý, thư ký y khoa, thư ký nhập liệu. Mỗi người dùng có những chức phận, quyền hạn khác nhau.

• Các chức năng hỗ trợ: Chương trình cho phép người dùng tạo các danh mục hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh như các danh mục thuốc thường dùng, bệnh thường gặp, tiền căn, triệu chứng, dấu chứng, bảng Phân loại bệnh Quốc tế ICD10, xét nghiệm, X Quang.


4. Dòng sản phẩm yHospital

4.1 Giới thiệu

yHospital là một hệ thống thông tin bệnh viện được DTAD thiết kế và phát triển dựa trên kiến trúc yHealth và các đặc thù thực tế của các bệnh viện Việt Nam. Mô hình thông tin lấy mô hình RIM (Reference Information Model) của HL7 làm cơ sở và điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế Việt Nam.
Mô hình RIM của HL7 Version 3 là mô hình thông tin thống nhất, cho phép các hệ thống tương thích với HL7 có thể diễn giải giống nhau về một loại thông tin trao đổi, nghĩa là bên gửi và bên nhận đã thống nhất với nhau về ý nghĩa của thông tin được trao đổi. Với việc sử dụng mô hình RIM làm cơ sở, yHospital đã giải quyết được một trong hai bài toán nền tảng2 khi cần trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế.

4.2 Các thành phần chính trong yHospital

Theo thiết kế, yHospital có thành phần chính là hệ thống thông tin lâm sàng (bệnh án điện tử) với các phân hệ trợ giúp.

4.2.1 Hệ thống thông tin lâm sàng

Đây là một hệ thống bệnh án điện tử với các phân hệ cho các khối đơn vị lâm sàng:

• Phân hệ thông tin ngoại trú dành cho khoa khám bệnh (ngoại trú)

• Phân hệ thông tin nội trú (chung cho các khoa lâm sàng)

• Phân hệ thông tin cấp cứu dành cho khoa cấp cứu

• Phân hệ thông tin phẫu thuật-gây mê hồi sức dành cho phòng mổ


4.2.2 Các phân hệ trợ giúp

Bao gồm các phân hệ hỗ trợ cho hoạt động của hệ thống thông tin lâm sàng:

• Phân hệ thông tin đăng bạ-danh bạ

• Phân hệ thông tin đăng ký-tiếp nhận

• Phân hệ thông tin y vụ (chung cho cả bệnh viện và khoa)

• Phân hệ thông tin viện phí

• Phân hệ thông tin nhân sự

• Phân hệ thông tin cơ sở vật chất

• Phân hệ quản trị hệ thống

• Phân hệ thông tin hành chính bệnh viện

• Phân hệ thông tin kế toán bệnh viện


4.2.3 Mô hình triển khai


5. Dòng sản phẩm yRad và yMage

5.1 yRad

yRad là dòng sản phẩm cho các hệ thống thông tin X Quang RIS (Radiology Information System) dành riêng cho Khoa Chẩn đoán Hình ảnh hoặc Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh. Sản phẩm yRad SE 2008 của dòng sản phẩm yRad có nhiều tính năng ưu việt hỗ trợ tối đa người sử dụng.

• Phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của nhân viên: thư ký nhận bệnh, thư ký phòng chụp, thư ký nhập liệu, kỹ thuật viên X Quang, bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, quản lý khoa, quản trị hệ thống máy tính.

• Tự động phân phối bệnh nhân vào đúng phòng cần chụp.

• Tự động phân phối hình ảnh vào đúng phòng đọc phim.

• Tự động phân phối bệnh nhân về bộ phận trả kết quả sau khi có kết quả đọc phim.

• Chạy trên một hạ tầng mạng với dữ liệu tập trung hoặc phân tán.

• Hỗ trợ lưu trữ các bản scan chỉ định của bác sỹ ra chỉ định, cho phép in các phiếu đọc kết quả của bác sỹ X Quang.

• Tương thích với DICOM: Có thể kết nối và trao đổi hình ảnh với các máy chụp tuân thủ DICOM.

• Tích hợp chặt chẽ với một hệ thống PACS nhỏ là yMage IE 2008.


5.2 yMage

yMage là dòng sản phẩm PACS (Picture Archiving and Communications Systems), một hệ thống quản lý lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa được DTAD thiết kế và xây dựng.
Theo lý thuyết, một hệ thống PACS cần phải có các tính năng cơ bản sau:

• Hỗ trợ gởi/nhận hình ảnh theo chuẩn DICOM 3.0, tương thích và có thể tích hợp với hầu hết các thiết bị tạo hình hiện đại có tuân thủ DICOM.

• Có khả năng lưu trữ ảnh lên đến hàng triệu ảnh, cho phép quản lý công tác sao lưu và phục hồi dữ liệu một cách dễ dàng.

• Hỗ trợ giao diện ứng dụng (API) và giao diện Web, cho phép kết nối diện rộng thông qua mạng Intranet và Internet.

• Hỗ trợ chuẩn HL7, cho phép giao tiếp một cách dễ dàng với các hệ thống thông tin bệnh viện HIS (Hospital Information Systems), hệ thống thông tin X Quang RIS (Radiology Information Systems) và các hệ thống PACS khác.
Kiến trúc của yMage là kiến trúc khách-đại lý (client-server). Thành phần đại lý hay yMage Server (bên cung cấp dịch vụ) được viết bằng ngôn ngữ C/C++ với thư viện API được phát triển dựa trên thư viện nguồn mở DCMTK 3.5.4. Cấu hình cho đại lý được lưu dưới dạng một tài liệu XML.
Thành phần khách hay yMage Client (bên yêu cầu dịch vụ) được viết bằng Java với thư viện API được phát triển dựa trên thư viện nguồn mở DCM-4-CHE.
Hiện tại, DTAD đã xây dựng một sản phẩm của dòng yMage gọi là yMage IE 2008. Thành phần yMage Server chạy độc lập trên một máy còn thành phần yMage Client được tích hợp hẳn vào sản phẩm yRad SE 2008, cho phép yRad SE 2008 có thể trao đổi với yMage Server các ảnh có định dạng DICOM. yRad SE 2008 và yMage IE 2008 đang chuẩn bị triển khai và thử nghiệm tại Khoa Chẩn đoán Hình ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy.


6. Công nghệ

Ngày nay, xu thế xây dựng phần mềm theo hướng dịch vụ (SOA) đang rất phổ biến và đã chứng minh được sức mạnh của mình. Xây dựng phần mềm theo hướng dịch vụ giúp cho phần mềm trong sáng, dễ bảo trì. Một phần mềm được xây dựng theo mô hình SOA sẽ bao gồm nhiều dịch vụ xử lý cho các tình huống nghiệp vụ, mỗi dịch vụ đảm nhiệm một chức năng trong hệ thống phần mềm. Một dịch vụ được xác định dựa vào các tiêu chí sau:

• Tính chuyên biệt. Một dịch vụ là một chức năng chuyên biệt do bên cung cấp dịch vụ thực hiện thay cho bên sử dụng dịch vụ. Tùy thuộc vào mức độ chuyên biệt của dịch vụ mà chúng ta đánh giá được chất lượng cao hay thấp của dịch vụ.

• Tính chuyên nghiệp. Mỗi dịch vụ cần phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp bởi những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp (các bộ phận chương trình được thiết kế riêng để thực hiện dịch vụ). Mức độ chuyên nghiệp thể hiện nhiều ở các tiêu chí chất lượng, cho phép đánh giá được chất lượng cao hay thấp của dịch vụ.

• Tính trọn vẹn. Một dịch vụ phải thực hiện trọn vẹn một chức năng, cho ra một kết quả cụ thể theo đúng chất lượng dịch vụ đã công bố. Theo nghĩa này, bên cung cấp dịch vụ tự thực hiện mọi hành động cần thiết để cho ra được kết quả mong muốn mà không cần thông qua bên sử dụng dịch vụ.

• Tính đơn vị. Một dịch vụ là một chức năng đơn vị, không thể chia nhỏ hơn. Tính đơn vị này cần được đánh giá dựa vào ý nghĩa thực tế và có tính logic cao, tách biệt hẳn với cách thức cài đặt (hiện thực).
Tiêu chí công bố về chất lượng dịch vụ cho phép đánh giá chất lượng dịch vụ cao hay thấp. Theo thiết kế, hệ thống công bố chất lượng dịch vụ dựa vào các tiêu chí sau:

• Thông tin. Lượng và loại thông tin bên yêu cầu dịch vụ cần phải cung cấp cho bên thực hiện dịch vụ (đầu vào) cũng như lượng và loại kết quả có được sau khi thực hiện dịch vụ (đầu ra). Đầu vào càng ít và đơn giản nhưng thu được kết quả càng tốt biểu thị chất lượng dịch vụ càng cao.

• Hành động. Ngoài tiêu chí về thông tin, khả năng thực hiện các hành động hay thao tác càng phức tạp của dịch vụ sẽ biểu thị chất lượng càng cao của nó.

• Ràng buộc. Ràng buộc thường biểu diễn các quy tắc ngữ nghĩa của ứng dụng. Do vậy nếu dịch vụ có nhiều khả năng áp chế các ràng buộc, nhờ đó giảm thiểu tình trạng vô nghĩa cả về dữ liệu (thông tin vô nghĩa) lẫn hành động của ứng dụng, sẽ biểu thị chất lượng càng cao của dịch vụ.

• Tiện dụng. Một dịch vụ hỗ trợ trực tiếp người sử dụng sẽ làm giảm thiểu sai sót và làm tăng hiệu quả thực hiện công việc của họ.

• Hiệu quả. Dịch vụ hoạt động càng hiệu quả, nghĩa là càng nhanh và chính xác, sẽ cho ra kết quả có độ tin cậy cao trong một thời gian ngắn, điều đó biểu thị cho chất lượng cao của dịch vụ.
Dựa trên các tiêu chí về dịch vụ cũng như việc đảm bảo chất lượng cho các dịch vụ, DTAD đã chọn EJB3.0 để phát triển dòng sản phẩm phần mềm y tế trên hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL. EJB3.0 có nhiều ưu điểm có thể liệt kê một số ưu điểm tiêu biểu sau:

• EJB3.0 được sử dụng để phát triển những dịch vụ tại máy chủ, cho phép xây dựng những ứng dụng phân tán xử lý, phân tán dữ liệu, tối ưu được tài nguyên đang có.

• Đảm bảo quá trình bảo trì và nâng cấp hệ thống dễ dàng.

• EJB3.0 có thể được triển khai trên các nền hệ điều hành khác nhau như MS Window, Linux, Machintos, …

• EJB3.0 có thể được triển khai trên JBoss hỗ trợ cơ chế tự động triển khai tương thích với nhiều hệ quản trị cơ sở dữ liệu khác nhau như MySQL, Oracle, DB2, …
Nhờ ưu điểm của EJB3.0 cho phép triển khai hệ thống trên nhiều hệ quản trị cơ sở dữ liệu khác nhau, vì vậy việc chọn hệ quản trị cơ sở dữ liệu nào để triển khai là không quan trọng, tùy theo chính sách của từng cơ sở y tế cụ thể khi sử dụng hệ thống. DTAD sử dụng MySQL để triển khai, vì MySQL là hệ quản trị cơ sở dữ liệu miễn phí và khá mạnh, được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Hệ thống được thiết kế theo mô hình SOA bằng công nghệ EJB3.0 vì vậy hỗ trợ xây dựng hệ thống phân tán xử lý và phân tán dữ liệu (hình …)


7. Kết luận và hướng phát triển

Bài báo này trình bày dòng sản phẩm của công ty DTAD dành cho công tác quản lý tại các cơ sở y tế từ phòng khám đa khoa cho đến các bệnh viện lớn. Ngoài sản phẩm yClinic SE 2008 dành cho phòng khám đa khoa hầu như đã hoàn chỉnh các chức năng và đã triển khai sử dụng tại một số cơ sở y tế, các sản phẩm yHospital SE 2008, yRad SE 2008 và yMage IE 2008 đang chuẩn bị triển khai tại trung tâm Cột sống EXSON thuộc bệnh viện Phương Đông STO, TP. HCM và Khoa Chẩn đoán Hình ảnh bệnh viện Chợ Rẫy.
Trong thời gian tới chúng tôi hoàn chỉnh các phần mềm đã xây dựng và tiến hành xây dựng thêm yLab dành cho việc quản lý tại Khoa Xét Nghiệm nhằm hoàn chỉnh hệ thống quản lý công tác khám chữa bệnh trong bệnh viện. Tiếp sau đó DTAD sẽ xây dựng các sản phẩm để phục vụ cho công việc quản lý liên quan đến hành chánh và tài chánh trong bệnh viện như quản lý nhân sự, quản lý dược, vật tư y tế và kế toán.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ullman, J. D., “Nguyên lý các hệ cơ sở dữ liệu và cơ sở tri thức”, Tập 1 và 2, Bản dịch của Trần Đức Quang, Nhà xuất bản Thống kê, 1998-1999.
2. Ozsu, M. T., Valduriez, P., “Nguyên lý các hệ cơ sở dữ liệu phân tán”, Tập 1 và 2, Bản dịch của Trần Đức Quang, Nhà xuất bản Thống kê, 1999-2000.
3. Subrahmanian, V. S., “Principles of Multimedia Database Systems”, Morgan-Kaufmann, 1998.
4. Gray, J., Reuter, A., “Transaction Processing: Concepts and Techniques”, Morgan-Kaufmann, 1993.
5. Bernstein, P. A., Newcomer, E., “Principles of Transaction Processing For the Systems Professional”, Morgan-Kaufmann, 1997.
6. Huang, H. K., “PACS and Imaging Informatics: Basic Principles and Applications”, Wiley-Liss, 2004.
7. Dreyer, K. J., Hirschorn, D. S., Thrall, J. H., Mehta, A. (eds.), “PACS: A Guide to the Digital Revolution”, 2nd Edition, Springer, 2006.
8. Trần Đức Quang, “Nguyên lý và Kỹ thuật chụp Cộng hưởng từ (MRI)”, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM, 2007.
9. Pressman, R. S., “Software Engineering: A Practitioner’s Approach”, 5th Edition, McGraw-Hill, 2001.
10. ANSI/HL7 EHR, R1-2007, “Electronic Health Record-System: Functional Model, Release 1 February 2007”, Health Level Seven, 2007.
11. Garber, K. M. (ed.), “The U.S. Health Care Delivery System”, American Hospital Association, 2006.
12. Tan, J. (ed.), “E-Health Care Information Systems: An Introduction for Students and Profressionals”, Jossey-Bass, A Wiley Imprint, 2005.
13. Diamond, M. S., “Understanding Hospital Billing and Coding: A Worktext”, Thomson Delmar Learning, 2007.
14. Davidson, P. L. (ed.), “Healthcare Information Systems”, CRC Press, 2000.
15. Phân viện CNTT TP.HCM-Sở Y tế TP.HCM, “Hội thảo Công nghệ Thông tin Y tế và Telemedicine”, TP.HCM, Tháng 05-2007.
16. Sở BCVT-Sở YT Gia Lai, “Hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế”, Pleiku, Tháng 12-2007.
17. Van de Velde, R., Degoulet, P., “Clinical Information Systems : A Component-based Approach”, Springer-Verlag, 2002.
18. Bộ Y Tế, “Mẫu hồ sơ bệnh án dùng trong bệnh viện”, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2002
19. Green, M. A., Jo Bowie, M., “Essentials of Health Information Management: Principles and Practices”, Thomson Delmar Learning, 2005.
20. Trường Cán bộ Quản lý Y tế, “Quản lý bệnh viện”, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2000.
21. Bộ Y Tế, “Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng Hệ Thống sổ sách-biểu mẫu báo cáo trong quản lý thông tin Y Tế”, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2005.
22. Bộ Y Tế, “Bảng phân loại quốc tế bệnh tật ICD10”, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2001.

Chú thích

[1] Chúng tôi sử dụng thuật ngữ hệ thống (system) hay phân hệ (subsystem) để chỉ những chương trình có thể hoạt động hoàn toàn độc lập mà không cần phải tương tác với các hệ thống khác; thuật ngữ môđun để chỉ các thành phần trợ giúp và cung cấp một số dịch vụ cho toàn hệ thống, không thể hoạt động độc lập.  thiết kế chỉ để cung cấp dịch vụ mà không sử dụng dịch vụ; nghĩa là các môđun không trao đổi trực tiếp với nhau. Theo cách này, các môđun có thể hoạt động như bộ phận quản lý dữ liệu đơn thuần.
[2] Bài toán thứ nhất là bài toán liên tác về ngữ nghĩa, nghĩa là bên gửi và bên nhận phải diễn giải giống nhau về các thông tin được trao đổi. Bài toán thứ hai là bài toán liên tác về cú pháp, nghĩa là bên gửi và bên nhận phải thống nhất với nhau về quy trình trao đổi thông tin.

Tác giả: 

Trần Đức Quang1, Dương Ngọc Hiếu2, Lưu Minh Tùng1, Đinh Thị Lương1
1 Công ty DTAD (ĐƯỜNG TA ĐI), TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. , Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. , Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
2 Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính, Đại học Bách khoa, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.  

Lần cập nhật cuối ( Thứ hai, 27 Tháng 2 2017 09:09 )